Thứ 10: Bạn bè và gia đình
Dù muốn hay không, phần lớn cuộc sống của chúng ta được tạo bởi gia đình và bè bạn. Vì vậy khi không nhận được sự ủng hộ của những người này, quan hệ của hai bạn dễ đi đến hồi kết thúc. Đương nhiên, bạn không thể yêu quý tất cả mọi người quen biết của người yêu, nhưng nếu duy trì được mối quan hệ hữu hảo với những người gần gũi nhất với người ấy (anh chị em ruột, bạn thân), bạn sẽ giữ được tình yêu của mình.
Thứ 9: Căng thẳng trong cuộc sống
Mê đắm trong tình yêu đôi khi khiến hai người xây cho mình một thế giới riêng, ngăn cách cả hai với phần còn lại của thế giới. Khi đi ra thế giới thật, một số thứ có thể gây khó khăn cho bạn. Tiền bạc, hệ lụy từ những cuộc tình trước đem lại... đều có thể là nguyên nhân làm tình yêu hiện tại của bạn chết yểu. Thậm chí những vấn đề vụn vặt trong gia đình (như thu dọn nhà cửa hoặc nấu ăn) cũng có thể làm hỏng cuộc hôn nhân của bạn.
Thứ 8: Kẻ thứ ba theo đuổi
Một cặp đôi, theo định nghĩa, được tạo thành bởi hai người. Nếu một người thứ ba xuất hiện, mọi thứ bắt đầu bị xáo trộn và tình cảm sẽ đi chệch hướng. Nếu có một người nào đó cố tình quyến rũ bạn hoặc người yêu của bạn, sự nghi ngờ, mất lòng tin có thể nhân giống dễ dàng và làm hỏng mối quan hệ của bạn. Vấn đề càng nghiêm trọng nếu người thứ ba là một người cũ dai dẳng. Khi người thứ ba xuất hiện, cả hai phải giải quyết chuyện này càng nhanh càng tốt. Nếu bạn là người bị theo đuổi, chỉ cần nói thẳng với người đó là bạn không quan tâm hay hứng thú gì với họ. Nếu cứ cư xử nhã nhặn và thân thiện, bạn có thể gieo hy vọng cho người đó, khiến họ vẫn chạy theo bạn và có thể làm hỏng tình yêu hiện tại của bạn.
Thứ 7: Thói quen xấu
Chúng ta đều biết không ai có thể yêu quý tất cả mọi người ở tất cả mọi thời điểm. Và một nửa của bạn cũng thế. Cô ấy rất tuyệt vời nhưng lại sở hữu một vài thói quen xấu, hãy cẩn thận. Những thói quen vặt vãnh như nói mơ khi ngủ, ngáy to, quên không đậy nắp kem đánh răng, trang điểm quá nhiều đều có thể làm hỏng tình yêu hay hôn nhân. Bởi vì theo thời gian, những thói quen này sẽ bào mòn sự vui vẻ của bạn, và đến khi không thể chịu nổi, bạn sẽ chán nản và tự mình muốn thoát ra khỏi mối quan hệ với người đó.
Thứ 6: Sự thoải mái thái quá
Gắn bó một thời gian dài, các cặp vợ chồng thường có xu hướng thoải mái với nhau đến mức suồng sã. Họ giống như bạn bè hơn những người yêu nhau. Khi sự thân mật trở nên quá quen thuộc và thường xuyên, họ bắt đầu thờ ơ với nhiều thứ, trong đó có cả tình dục. Điều đó đã đẩy họ xa nhau.
Thứ 5: Mục tiêu khác biệt
Theo thời gian, nếu không cẩn thận, vợ chồng có thể rời xa nhau. Điều này có thể do thiếu sự giao tiếp giữa hai người, trong khi những thứ khác, như công việc, được ưu tiên hơn. Nếu cả hai theo đuổi những mục tiêu khác nhau, tương lai của mối quan hệ không được đảm bảo.
Thứ 4: Quá khứ
Những người chìm đắm trong quá khứ sẽ khó khăn để tiến về phía trước. Nếu một trong hai người luôn so sánh người yêu hiện tại của mình với người yêu cũ, tương lai của mối quan hệ này sẽ chẳng có gì sáng sủa. Rút kinh nghiệm từ những sai lầm trong quá khứ là điều nên làm, nhưng không nên biến chúng thành bản hướng dẫn cho các mối quan hệ mới. Những gì bạn có trong hiện tại khác xa những gì bạn đã từng có trong quá khứ, vì thế hãy để mối quan hệ hiện tại được phát triển tự nhiên.
Tương tự, lôi kéo quá khứ của chính mối quan hệ này vào hiện tại cũng là điều nguy hiểm. Sẽ ra sao nếu bạn cứ mãi nhớ về những sai lầm trong những ngày đầu tiên của người bạn đời của mình. Thật là vớ vẩn nếu mỗi lần vợ chồng tranh cãi, bạn lại nhắc lại những lỗi lầm xa xưa đó. Nếu một cặp vợ chồng đã quyết định bỏ qua những lỗi lầm của nhau, họ nên hướng về tương lai, hãy để những vấn đề đã qua ngủ yên trong quá khứ.
Số 3: Dục tốc bất đạt
Một mối quan hệ lành mạnh nên được phát triển tự nhiên. Diễn biến của các mối tình không giống nhau, nhưng xu hướng chung là cả hai cùng ngày càng trở nên thân thiết và thoải mái với nhau hơn. Đây là điều bình thường, thuộc về bản năng của con người. Tuy nhiên, một số người lại quá nôn nóng, muốn đốt cháy giai đoạn trong khi cả hai đều chưa được chuẩn bị chu đáo.
Không ai thích phải vội vàng. Một cặp đôi mà có một bên luôn đòi hỏi bên kia phải sớm cam kết trong khi họ chưa sẵn sàng sẽ không tồn tại được lâu. Đặc biệt nguy hiểm khi có một người nhăm nhe đòi cưới trong khi người kia thì chưa muốn bị “trói”.
Số 2: Phụ thuộc hoặc quá độc lập
Duy trì sự cân bằng giữa phụ thuộc và độc lập là điều không đơn giản. Nếu phụ thuộc quá nhiều sẽ khiến người kia cảm thấy ngột ngạt. Nếu một cặp đôi đã đi đến điểm gắn bó tất tần tật mọi điều với nhau, họ cần phải lùi lại một chút. Nên tạo cho người yêu (người bạn đời) một chút không gian riêng, đừng để đến lúc họ bức xúc vì bị mất tự do.
Ngược lại độc lập quá cũng không tốt bởi sẽ khiến cho người kia cảm thấy mình bị bỏ rơi. Nếu một người dành hết thời gian cho công việc hoặc một niềm đam mê nào đó và chỉ dành thời gian tối thiểu cho người yêu của mình, tình cảm của họ sẽ nhanh chóng tàn phai. Dù không gian và thời gian cách xa nhau là cần thiết, nhưng có quá nhiều sự độc lập cũng tồi tệ như bị đeo bám quá nhiều, đều có thể dẫn đến việc cả hai muốn thoát ra để đi tìm một mối quan hệ mới.
Số 1: Sự lừa dối
Lừa dối là kẻ thù lớn nhất của các mối quan hệ, đó là nguyên nhân lớn nhất khiến các cặp đôi chia tay. Ngay cả khi cả hai đã cố gắng vượt qua sự phản bội nhưng tương lai dường như không mỉm cười với mối quan hệ của họ. Bởi khi đó, sự tin tưởng đã bị chà đạp. Dù có được hứa hẹn thế nào người ta vẫn nghi ngờ sẽ có ngày mình bị cắm sừng lần nữa.
Download các game online mobile với nhiều độ phân giải màn hình khác nhau được cập nhật hàng ngày, các tin nhắn xếp hình lãng mạng